Giáo án HĐTN tuần 10

Thứ bảy - 24/02/2024 11:07
Tuần 10 - Tiết 28. Sinh hoạt dưới cờ - Nghe nói chuyện: Trách nhiệm của HS THCS
I. MỤC TIÊU:
Sau khi tham gia hoạt động này, HS:
  • Xác định được ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm.
  • Biết được những việc cần làm để thể hiện là người sống có trách nhiệm.
  • Hình thành ý thức rèn luyện để trở thành người có trách nhiệm.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1. Đối với TPT, BGH và GV
  • Hệ thống âm thanh, bàn ghế phục vụ hoạt động.
  • Xây dựng kịch bản chương trình nói chuyện.
  • Tư vấn cho lớp trực tuần hoặc HS được chọn làm MC cách điều khiển, dẫn dắt chương trình.
  • Gửi thông báo và mời GV làm khách mời trong buổi nói chuyện (mời khoảng 2 GV).
  • Chú ý: Mời và trao đổi với khách mời trước khi tổ chức chương trình ít nhất 1 tuần, nêu rõ mục đích, yêu cầu và nội dung nói chuyện để khách mời chuẩn bị
2. Đối với HS
  • HS lớp trực tuần với sự giúp đỡ của GV xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình nói chuyện.
  • HS được chọn làm MC chuẩn bị nội dung để dẫn chương trình và chuẩn bị các câu hỏi để phỏng vấn khách mời.
  • HS lớp trực tuần chuẩn bị 2 – 3 tiết mục văn nghệ.
III. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
Hoạt động 1.Chào cờ, sơ kết thi đua tuần và phổ biến nhiệm vụ tuần mới
a. Mục tiêu: HS nắm được kết quả rèn luyện và thi đua tuần trước, kế hoạch cho tuần học tập tiếp theo.
b. Nội dung: GV báo cáo và tổng kết, lên kế hoạch tuần sau, HS lắng nghe.
c. Sản phẩm: HS nắm được kết quả, cố gắng và lên kế hoạch học tập, rèn luyện tốt hơn cho tuần tiếp theo.
d. Tổ chức thực hiện:
- GV chủ nhiệm lớp trực tuần lên đánh giá, nhận xét và tổng kết và xếp hạng kết quả thi đua học tập và rèn luyện của các lớp trong tuần qua, tuyên dương các lớp có kết quả thi đua đứng đầu toàn trường.
- Tổng phụ trách phổ biến các hoạt động đoàn đội trong tuần tới.
Hoạt động 2. Nghe nói chuyện - Trách nhiệm của HS THCS
a. Mục tiêu: Thông qua buổi nói chuyện, HS biết được trách nhiệm của bản thân để học tập và rèn luyện ngày càng tốt hơn.
b. Nội dung: BTC triển khai cuộc trò chuyện với khách mời, HS lắng nghe và tương tác.
c. Sản phẩm: HS đưa ra được kế hoạch học tập và rèn luyện của bản thân để thể hiện tốt trách nhiệm của bản thân trong trường THCS.
d. Tổ chức thực hiện:
- Mở đầu, HS lớp trực tuần biểu diễn văn nghệ theo lời giới thiệu của MC.
- MC phát biểu đề dẫn về trách nhiệm và việc cần thiết phải sống có trách nhiệm.
- MC giới thiệu khách mời nói chuyện về “Trách nhiệm của HS THCS”.
- MC đưa ra một số câu hỏi xung quanh nội dung đã được khách mời chia sẻ. Với mỗi câu hỏi, sẽ mời một khách mời trao đổi (có thể xen kẽ các câu hỏi của các khách mời).
- MC mời các bạn của các khối lớp đặt câu hỏi cho khách mời và chia sẻ cảm xúc sau khi nghe chia sẻ từ khách mời.
Gợi ý nội dung cho buổi nói chuyện:
1. Khách mời 1 (GV 1)
Trách nhiệm là gì?
+ Trách nhiệm là việc mà mỗi người phải làm và phải có ý thức với những việc làm đó. Trách nhiệm luôn là một gánh nặng nhưng nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong quá trình phát triển và hoàn thiện bản thân.Người sống có trách nhiệm sẽ được người khác tôn trọng và sẽ dễ dàng đạt được thành công.
+ Trách nhiệm bao gồm trách nhiệm đối với bản thân, với gia đình và với xã hội. Đối với mỗi cá nhân, trách nhiệm là một điều thiết yếu cần phải có. Người sống có trách nhiệm sẽ luôn chủ động trong mọi việc, tự tin phát triển bản thân, dám làm những điều mình muốn và sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm về những việc đã làm mà không đùn đẩy hay đổ lỗi cho bất kì ai. Người sống có trách nhiệm sẽ được mọi người yêu quý và tôn trọng.
Tại sao phải sống có trách nhiệm
Việc sống và làm việc có trách nhiệm sẽ mang tới cho mỗi chúng ta nhiều lợi ích, như:
+ Tạo dựng được sự tin tưởng của mọi người.
+ Hoàn thành công việc nhanh chóng và đảm bảo đạt được kết quả cao.
+ Giúp bản thân tiến bộ hơn, được mọi người yêu quý, tôn trọng.
+ Dễ dàng đạt được thành công và khẳng định được bản thân.
Có những loại trách nhiệm nào
Trách nhiệm được phân chia thành các loại sau:
+ Trách nhiệm chủ động: Là sự tự giác nhận trách nhiệm, xuất phát từ ý thức, suy nghĩ. Bạn sẽ nhận thức được những việc mình đã làm, phải làm và có quyết định chịu trách nhiệm như thế nào khi phát hiện mình mắc sai lầm.
+ Trách nhiệm thụ động: Chịu trách nhiệm nhưng là do tác động bên ngoài chứ không phải là tự ý thức. Ví dụ như được bạn bè khuyên răn, ủng hộ,...
+ Trách nhiệm giả tạo: Nhận trách nhiệm cho xong việc, không muốn làm nhưng không nói ra.
2. Khách mời 2 (GV2)
Biểu hiện của người sống có trách nhiệm
+ Biết coi trọng thời gian: Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn là người sống có trách nhiệm. Bạn biết cách quản lí thời gian – một trong những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống mà ai cũng phải biết.Nếu bạn không biết coi trọng thời gian, có XU hướng lãng phí thời gian vào những việc vô bổ thì sẽ trở thành một con người thất bại; bạn sẽ trở nên lười biếng, lề mề, hiệu quả công việc không cao.
+ Biết chịu trách nhiệm trong mọi việc, hiểu được trách nhiệm phải do nỗ lực mới có được. Lập kế hoạch cho mọi việc: Những người có trách nhiệm sẽ không bao giờ làm việc một cách bốc đồng mà luôn cần nhắc cẩn thận mọi vấn đề và lập kế hoạch làm việc cụ thể. Họ hiểu được rằng, chỉ cần mắc phải một sai lầm nhỏ cũng có thể kéo theo rất nhiều rắc rối, khó có thể sửa chữa lại được.
+ Biết cách tập trung: Tập trung để có thể hoàn thành công việc tốt hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. Người biết cách tập trung làm việc, không muốn bản thân mắc phải những sai lầm cho dù là nhỏ nhất để tránh ảnh hưởng đến những công việc liên quan. Không đổ lỗi và luôn tôn trọng sự cố gắng của người khác: Những người có tinh thần trách nhiệm cũng sẽ không bao giờ đổ lỗi cho những người xung quanh. Cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ thay đổi tốt hơn nếu như bạn ngưng đổ lỗi và sống có trách nhiệm hơn. Không than thở và không viện cớ: Than thở là một biểu hiện xấu của những người sống thiếu trách nhiệm. Bạn thường xuyên than thở về bạn bè, về thời tiết, về những tác động bên ngoài,... để tìm đối tượng đổ lỗi. Những người sống có trách nhiệm thay vì than thở họ sẽ tự mình tìm ra giải pháp khắc phục.
+ Thừa nhận sai trái: Người sống có trách nhiệm sẽ biết cách tận dụng triệt để sai lầm của mình làm động lực để phát triển bản thân. Việc này không chỉ biến sai lầm thành bài học kinh nghiệm đáng quý mà còn mang tính bước ngoặt giúp chúng ta không mắc phải những lỗi như vậy thêm lần nào nữa.Một người sống có trách nhiệm sẽ không ngần ngại thừa nhận lỗi lầm của mình và coi đó là bài học đáng quý.
Cách để trở thành người sống trách nhiệm:
+ Thứ nhất, đối với bản thân: Trách nhiệm đối với bản thân được hiểu là phải cố gắng hết sức mình để đạt được những gì mà ta mong muốn. Biết phải làm gì để giúp ích cho bản thân ở hiện tại và cả tương lai.Phải có niềm tin vào chính bản thân mình rằng, chỉ cần cố gắng hết sức thì sẽ làm được.
+ Thứ hai, đối với gia đình: Trách nhiệm đối với gia đình của mỗi HS được thể hiện ở sự cố gắng học tập tốt, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ làm vui lòng bố mẹ, ông bà. Ngoài ra, chúng ta còn có thể phụ giúp bố mẹ các công việc gia đình, không la cà, rong chơi, không nói những lời lẽ thô tục khiến cho những người thân trong gia đình buồn lòng.
+ Thứ ba, đối với xã hội: Trách nhiệm đối với xã hội thể hiện ở việc chúng ta cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể giúp ích cho xã hội. Chỉ cần cố gắng phấn đấu trong học tập; không phá phách, trộm cướp, sử dụng chất ma tuý hay tham gia các tệ nạn xã hội là các em đã giúp ích rất nhiều cho xã hội.
ĐÁNH GIÁ
- Mời một số HS chia sẻ cảm xúc sau khi tham gia chương trình và những điều học hỏi được về trách nhiệm của HS THCS.
HOẠT ĐỘNG TIẾP NỐI
- HS chia sẻ với gia đình, bạn bè cảm xúc sau khi tham gia chương trình.

Tuần 10 - Tiết 29. HĐ giáo dục – Kĩ năng từ chối (tiết 1)

I. MỤC TIÊU
1. Kiến thức
Sau khi tham gia hoạt động này, HS:
  • Nhận biết được những tình huống cần từ chối.
  • Thực hiện được các kĩ năng từ chối trong một số tình huống cụ thể.
2. Năng lực
Năng lực chung:
  • Năng lực tự chủ và tự học trong tìm tòi khám phá.
  • Năng lực giao tiếp và hợp tác trong trình bày, thảo luận và làm việc nhóm.
Năng lực riêng:
  • Nhận biết được những nguy cơ từ môi trường tự nhiên và xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống con người.
  • Biết cách ứng phó với nguy cơ, rủi ro từ môi trường tự nhiên và xã hội.
3. Phẩm chất: Trách nhiệm, trung thực và nhân ái.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1. Đối với GV
  • SGK Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 8.
  • Giấy trắng khổ A1, băng dính, bút màu,
  • Máy chiếu, máy tính (nếu có)
2. Đối với HS
  • SHS Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 8
  • Trang phục đóng vai
  • Tìm hiểu các tình huống học cách từ chối trong cuộc sống.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: GV tạo tâm thế hào hứng cho HS thông trò chơi khởi động
b. Nội dung: GV tổ chức cho HS chơi trò chơi, HS hưởng ứng nhiệt tình.
c. Sản phẩm: HS chơi trò chơi tích cực.
d. Tổ chức thực hiện:
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập
- GV cho HS chơi trò chơi “Tôi đồng ý – tôi từ chối“.
- GV phổ biến cách chơi: lập thành 2 nhóm đặt tên là “Từ chối” và “Đồng ý”. Mỗi nhóm có 10 thành viên, xếp hàng dọc. Nhóm “Đồng ý” viết lên bảng những hành động mà HS có thể đồng ý khi được đề nghị. Nhóm “Từ chối” viết lên bảng những hành động mà HS nên từ chối khi được đề nghị. Các thành viên trong nhóm lần lượt chạy lên bảng viết, viết xong chạy về hàng, đập tay với người tiếp theo thì người tiếp theo mới được chạy lên viết. Thời gian chơi: 3 phút. Sau thời gian quy định, đội nào viết được đúng và nhiều hành động hơn sẽ thắng cuộc.
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- HS tham gia chơi trò chơi, HS còn lại cổ vũ nhiệt tình cho hai đội.
- GV giám sát và tổ chức cho HS chơi trò chơi.
Bước 3, 4: Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
- GV tuyên bố đội thắng cuộc. Sau đó, gọi một số HS nêu cảm nhận và những điều rút ra được qua trò chơi.
- GV nhận xét, đánh giá.
- GV dẫn dắt HS vào bài học: Kĩ năng từ chối (tiết 1)

B. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC – TÌM HIỂU CÁC TÌNH HUỐNG CẦN TỪ CHỐI.
a. Mục tiêu: HS chia sẻ được các tình huống đã từ chối và cách từ chối mà bản thân đã thực hiện. HS dự kiến được cách từ chối trong một số tình huống cụ thể.
b. Nội dung: GV hướng dẫn HS thảo luận hình thành kiến thức thông qua các nhiệm vụ:
  1. Chia sẻ tình huống mà em đã từ chối.
  2. GV yêu cầu HS quan sát các hình vẽ ở nhiệm vụ 1 (SGK – trang 25, 26) để chia sẻ lí do cần từ chối trong mỗi tình huống.
c. Sản phẩm: HS nắm được các tình huống cần từ chối và biết cách từ chối.
d. Cách thức tiến hành:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS DỰ KIẾN SẢN PHẨM
*Nhiệm vụ 1. Chia sẻ tình huống mà em đã từ chối.
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập
- GV chia HS thành các nhóm và yêu cầu các nhóm thực hiện nhiệm vụ theo “Kĩ thuật khăn trải bàn”. Thời gian suy nghĩ cá nhân: 3 phút; thời gian thảo luận nhóm: 3 phút. Các nhóm HS thực hiện nhiệm vụ được giao.
- GV giao nhiệm vụ, hướng dẫn và tổ chức HS thực hiện theo các gợi ý trong SGK – trang 25:
  • Em đã từ chối trong tình huống nào?
  • Lí do em từ chối trong tình huống đó?
  • Cách em từ chối?
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- HS làm việc cá nhân, làm việc nhóm, thực hiện nhiệm vụ được giao.
- GV quan sát, hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).
Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động
- GV yêu cầu các nhóm báo cáo sản phẩm, các nhóm khác nhận xét và bổ sung.
Bước 4. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
- GV chốt lại các tình huống HS đã từ chối và cách từ chối HS đã thực hiện.

*Nhiệm vụ 2. Chia sẻ lí do cần từ chối trong mỗi tình huống.
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập
- GV yêu cầu HS quan sát các hình vẽ ở nhiệm vụ 1 (SGK – trang 25, 26) để chia sẻ lí do cần từ chối trong mỗi tình huống.
- GV đưa ra gợi ý:
+ Lí do và cách từ chối trong mỗi tình huống?
+ Những tình huống như thế nào cần phải từ chối?
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- HS thảo luận lí do, cách từ chối cho các nhân vật trong mỗi tình huống và nhận diện các tình huống cần từ chối.
- GV quan sát, hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).
Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động
- GV mời đại diện các nhóm HS báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ. HS khác chú ý lắng nghe, quan sát và nhận xét.
Bước 4. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
- GV tổng hợp các ý kiến của HS, giải thích và kết luận hoạt động 1.
1. Tìm hiểu các tình huống cần từ chối
- Gợi ý một số tình huống em đã từ chối:
+ Không đi chơi để ở nhà học bài
+ Không đi chơi sau tiết học để về nhà phụ mẹ chăm em.
+ Không chơi đá cầu vì đó không phải môn thể thao yêu thích.
+....
















 * Chia sẻ lí do cần từ chối trong mỗi tình huống:
- Tình huống 1.
+ Lí do: Không biết bơi
+ Cách từ chối: Mình không biết bơi xuống nguy hiểm lắm. Để mình học bơi rồi sẽ xuống tắm cùng các bạn sau nhé.
- Tình huống 2.
+ Lí do: Đi hàng ngang trên đường rất nguy hiểm.
+ Cách từ chối: Đi như vậy sẽ rất nguy hiểm cho chúng mình và cho cả người tham gia giao thông nữa. Lát tới trường chúng ta sẽ nói chuyện sau nhé.
- Tình huống 3.
+ Lí do: Không phải môn thể thao yêu thích.
+ Cách từ chối: Mình đồng ý tan học chúng ta nên chơi thể thao nhưng chúng mình có thể chơi cầu lông được không vì mình rất đam mê môn thể thao đó.
*Những tình huống cần từ chối
- Tình huống nguy hiểm
- Tình huống vượt quá khả năng
- Tình huống không phù hợp với nhu cầu, sở thích cá nhân.
=>Tổng kết: Trong cuộc sống có nhiều tình huống cần từ chối. Đối với HS, các em cần nhận biết được các tình huống cần từ chối, từ đó, xác định và thực hiện cách từ chối phù hợp để không gây ra những hậu quả đáng tiếc, không gây áp lực cho bản thân, đồng thời đem lại cảm giác thoải mái, an toàn cho chính mình.

C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
a. Mục tiêu: HS vận dụng kiến thức đã học vào bài tập thực hành.
b. Nội dung: GV chiếu câu hỏi, HS suy nghĩ nhanh và trả lời.
c. Sản phẩm: HS đưa ra câu trả lời đúng.
d. Cách thức tiến hành:
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập
- GV chiếu câu hỏi, yêu cầu HS nhớ lại kiến thức đã học, vận dụng và tìm cách từ chối trong các tình huống dưới đây.
Tình huống 1. Cuối buổi học, thấy An đang tranh thủ ôn bài để ngày mai kiểm tra thì nhóm bạn rủ An ra sân đá bóng, An không muốn đi vì chưa học xong bài nhưng các bạn vẫn nhiệt tình rủ và hứa cho bộ tài liệu để chép bài.
Tình huống 2. Chị Hà rủ Quyên chiều nay đi hội chợ. Ở đó có nhiều trò vui chơi, nhiều món đồ được giảm giá mà Quyên rất thích. Quyên muốn đi những chợt nhớ đến lời hẹn học nhóm với các bạn.
Tình huống 3. Nhóm của Nga được phân công chuẩn bị nội dung thuyết trình trước lớp. Nhóm trưởng không những phân công cho Nga phụ trách việc tìm kiếm tài liệu, soạn nội dung thuyết trình mà còn thay mặt cả nhóm trình bày trước lớp kết quả thảo luận Nga nhận thấy việc phân công này vượt quá khả năng của mình.
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- HS tiếp nhận nhiệm vụ, thảo luận và chia sẻ kết quả trước lớp.
- GV quan sát, hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).
Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động
- GV mời đại diện HS trình bày kết quả:
Gợi ý cách từ chối:
  • TH1. An cảm ơn lời rủ của các bạn nhưng An đang bận ôn thi, đợi thi xong có thời gian An sẽ cùng các bạn ra sân đá bóng.
  • TH2. Quyên thể hiện sự tiếc nuối, xin lỗi chị Hà vì không thể đi được vì còn phải đi học nhóm với các bạn, không thể thất hứa với các bạn.
  • TH3. Nga trình bày trước nhóm về khả năng của bản thân, nhờ nhóm trưởng phân công lại công việc phù hợp với khả năng của bản thân hơn, cố gắng cải thiện bản thân để lần sau có thể tự tin thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Bước 4. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
- GV nhận xét, đánh giá, chuyển sang nhiệm vụ mới.

D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
a. Mục tiêu: HS vận dụng kiến thức để xử lí tình huống trong cuộc sống.
b. Nội dung: GV giao nhiệm vụ, HS về nhà thực hiện và báo cáo vào tiết học sau
c. Sản phẩm: HS đưa ra cách xử lí phù hợp để từ chối trong một số trường hợp cụ thể
d. Cách thức tiến hành:
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập
- GV yêu cầu HS: Ghi lại tình huống và cách xử lí khi em từ chối ai đó trong cuộc sống thường ngày và báo cáo kết quả vào tiết học sau.
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- HS lắng nghe, tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ.
- GV giải thích, hướng dẫn nhiệm vụ cho HS chưa hiểu.
Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động
- GV yêu cầu một số HS chia sẻ những điều học hỏi được sau khi tham gia các hoạt động học tập trong tiết học.
Bước 4. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
- GV nhận xét, đánh giá thái độ tham gia các hoạt động của HS.
- GV kết thúc tiết học.

* HƯỚNG DẪN VỀ NHÀ:
  • Ôn tập lại kiến thức đã học:
  • Rèn luyện cách từ chối khéo léo một số tình huống cụ thể trong cuộc sống.
  • Chuẩn bị cho tiết Sinh hoạt lớp.
 


Tuần 10 - Tiết 30. SHL – Chia sẻ kết quả rèn luyện kĩ năng nhận diên và thể hiện trách nhiệm của bản thân trong các hoat động
Hoạt động 1.Sơ kết tuần và thông qua kế hoạch tuần sau
Mục tiêu: HS nắm được kết quả của mình cũng như của lớp đã đạt được trong tuần qua, biết được nội dung tuần tiếp theo.
b. Nội dung – Tổ chức thực hiện:
- GVCN mời lớp trưởng báo cáo kết quả của lớp trong tuần qua
- Các tổ trưởng báo cáo và nhận xét kết quả học tập, rèn luyện của các thành viên trong nhóm.
- GV chủ nhiệm nhận xét, đánh giá và triển khai nhiệm vụ tuần sau.
Hoạt động 2. Sinh hoạt theo chủ đề
a. Mục tiêu:
- HS chia sẻ được cảm nhận của bản thân và những điều học được sau khi tham dự cuộc thi “Ai nhanh trí hơn” trong tiết Sinh hoạt dưới cờ.
- HS chia sẻ được những trường hợp bản thân đã từ chối và cách từ chối.
b. Nội dung– Tổ chức thực hiện:
- GV yêu cầu HS trong lớp chia sẻ về:
+ Những điều học hỏi được và cảm nhận của bản thân sau khi tham dự cuộc thi “Ai nhanh trí hơn trong tiết Sinh hoạt dưới cờ.
+ Những trường hợp bản thân đã từ chối và cách từ chối.
- Một số HS chia sẻ trước lớp.
- GV nhận xét chung và quá trình tham gia hoạt động của HS.
 


 

Tác giả: Minh Nguyễn Hồng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây